Không chỉ ảnh hưởng xấu sức khỏe của cả cộng đồng, dịch Covid-19 còn gây tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống xã hội: Người lao động thất nghiệp, nền kinh tế suy thoái, nhiều hoạt động đình trệ, trẻ em không được đến trường, người già khó khăn trong việc chăm sóc y tế… Sau hơn một năm nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19, cả nước đang bước sang giai đoạn chống dịch mới, chủ động thích nghi trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. Cùng với những biện pháp: Xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng, cách ly, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và khử khuẩn, Chính phủ tiến hành nhiều biện pháp để có vắc-xin tiêm chủng cho người dân. Song song với việc nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc-xin Covid-19 ở trong nước, Bộ Y tế tích cực đàm phán với các đối tác nước ngoài để mua vắc-xin Covid-19. Ngày 24-2 vừa qua, lô vắc-xin đầu tiên của AstraZeneca (do Ðại học Oxford và Tập đoàn dược phẩm hàng đầu Thế giới - Vương quốc Anh) sản xuất đã được nhập khẩu về nước ta. Tuy nhiên, do số lượng vắc-xin rất hạn chế cho nên Chính phủ quyết định ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 như: Người làm việc tại các cơ sở điều trị người mắc Covid-19; người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa,...
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mọi người dân đều mong sớm có đủ vắc-xin để được tiêm ngừa. Nhất là những đối tượng như: Người cao tuổi, người có bệnh nền, người nghèo, bà con ở vùng biên giới, công nhân nhà máy, giáo viên, học sinh, sinh viên… là những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm và dễ gặp rủi ro khi mắc Covid-19. Từ tháng 1-2021, khi có một sinh viên mắc Covid-19, Trường đại học FPT đã lên kế hoạch mua 100 nghìn liều vắc-xin Covid-19 để tiêm cho toàn bộ cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên của nhà trường. Một số doanh nghiệp cũng lên kế hoạch tìm mua để tiêm chủng ngừa Covid-19 cho toàn bộ người lao động trong công ty và coi đây là giải pháp phòng ngừa rủi ro, giúp người lao động an tâm làm việc. Ngày 5-2, Công ty cổ phần Thaiholdings và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã tiên phong ủng hộ 21 tỷ đồng cho Quỹ mua vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Ngay khi lô vắc-xin đầu tiên từ nước ngoài được nhập khẩu về Việt Nam vào cuối tháng 2 vừa qua, một số tổ chức, cá nhân còn vận động quyên góp gây quỹ mua vắc-xin Covid-19 để toàn dân được tiêm chủng miễn phí. Ðơn cử, báo Tuổi trẻ phát động chương trình "Cùng Tuổi trẻ góp vắc-xin Covid-19", quỹ "Chung một tấm lòng" của Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) phát động chương trình "Triệu trái tim - Một tấm lòng - Vắc-xin vượt qua Covid-19" với mong muốn làm cầu nối để cộng đồng chung tay góp sức cùng Nhà nước mua đủ vắc-xin tiêm phòng miễn phí cho người dân. Ngay sau khi chương trình được phát động, nhiều tổ chức, đơn vị, hội đoàn đã tích cực tham gia hưởng ứng. Nhiều trường đại học nhanh chóng kêu gọi tập thể giảng viên, nhân viên và sinh viên trong trường tự nguyện đóng góp kinh phí, tùy theo khả năng của mỗi người. Công ty Vàng Bạc Ðá quý Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) ngoài việc tự bỏ tiền mua vắc-xin để tiêm ngừa cho gần 7.000 nhân viên còn ủng hộ số tiền 268 triệu đồng vào quỹ "Chung một tấm lòng" của Ðài Truyền hình TP Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp khác cũng tổ chức vận động gây quỹ ủng hộ chương trình góp vắc-xin Covid-19. Nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng như: NSND Kim Cương, NSND Minh Vương, cầu thủ Công Vinh, ca sĩ Thủy Tiên, nghệ sĩ Kim Tử Long, nghệ sĩ Trấn Thành... cũng đóng góp số tiền lớn với mong muốn toàn dân sớm được tiêm phòng Covid-19. Mỗi ngày qua đi, danh sách những người ủng hộ cuộc vận động góp vắc-xin Covid-19 lại nhiều thêm. Tất cả đều mong muốn góp sức mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, để bảo đảm tiêm đủ vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều cho nên cần một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, sự chủ động vào cuộc, tự chủ về kinh phí mua vắc-xin và tiêm phòng của một số doanh nghiệp, trường học và việc đóng góp nguồn tiền của các tổ chức, đơn vị, cá nhân cho chương trình tiêm chủng mở rộng ngừa Covid-19 là hành động tích cực, mang giá trị nhân văn và ý nghĩa, góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước cho việc mua vắc-xin và các chi phí liên quan. Tuy nhiên khi doanh nghiệp chủ động tìm mua vắc-xin Covid-19, bên cạnh việc người lao động sớm được tiêm phòng dịch, Nhà nước tiết kiệm được một khoản ngân sách, nhưng cũng có thể gây nên tình trạng khan hiếm vắc-xin, khiến giá cả tăng cao, thậm chí khó kiểm soát về mặt chất lượng và tăng thêm khó khăn cho người dân nói chung. Do vậy, việc xã hội hóa vắc-xin Covid-19 là xã hội hóa về nguồn tiền mua vắc-xin, còn những điều kiện khác như: Nhập khẩu, bảo quản, phân phối và sử dụng thì cần tuân thủ các quy định chung. Việc kêu gọi vận động quyên góp tiền mua vắc-xin Covid-19 cũng cần có cách thức quyên góp và sử dụng tiền quyên góp hợp lý, hiệu quả, minh bạch.
Phong trào xã hội hóa nguồn kinh phí mua vắc-xin Covid-19 để phòng dịch đang lan tỏa trong cộng đồng, được các tầng lớp nhân dân quan tâm, tích cực hưởng ứng là sự thể hiện sinh động truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc. Sự đồng lòng, chung sức của mỗi con người, mỗi tập thể dù ít hay nhiều cũng góp phần chia sẻ khó khăn với Nhà nước trong cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh, thật đáng quý và trân trọng.
“Chúng ta cần huy động thêm các nguồn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vắc-xin, giúp bảo đảm ngân sách nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vắc-xin”.
GS, TS NGUYỄN THANH LONG
Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Y tế
Fonte do artigo:“Nên lập riêng quỹ thiện nguyện vắc-xin Covid-19 để tập hợp các tất cả các nguồn ủng hộ một cách công khai, minh bạch, để nhân dân cùng giám sát và phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật”.
Luật sư BÙI ĐÌNH HIẾN (Đoàn Luật sư Hà Nội)