Phá Tam Giang chạy dọc duyên hải Thừa Thiên - Huế dài chừng 70 km. Hai bên bờ có người dân của năm huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc sống lâu đời với phá Tam Giang - Cầu Hai. Vùng phá Tam Giang thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc là đoạn cuối của phá đổ ra cửa biển Tư Dung.
Chạy xe từ thành phố Huế tới xã Vinh Hiền vào buổi chiều mặt trời lặn dần phía sau lưng như rong ruổi giữa bình yên của làng mạc đồng quê về miền sóng nước.
Xẩm tối, mặt trời đã xuống núi nhưng ráng chiều chưa tan. Cả đầm phá chìm trong những quầng sáng tím hồng bao phủ, bóng mui thuyền nhấp nhô mặt nước. Xa xa là ánh đèn le lói trên chòi gác, trên thuyền của người dân. Chiếc xuồng máy nhỏ trôi trong sóng nước đưa chúng tôi ra giữa phá để chờ trăng lên. Ráng chiều vừa hết là lúc ánh trăng bàng bạc đã soi sáng cả một vùng. “Trăng vừa đủ sáng để gây mơ/Gió nhịp theo đêm không vội vàng”, đâu đó vọng lại tiếng ngâm giữa mênh mông trời nước.
Gia đình anh Nguyễn Văn Ty, một ngư dân trong xã đón tiếp chúng tôi bằng bữa tiệc cá nước lợ ngay trên đò lênh đênh giữa phá. Cá ong, cá căng, cá hành, cá nâu... được hấp gừng, nấu chua dậy mùi tươi ngon. Tương truyền, nhiều loại cá ở phá Tam Giang từng tiến vua. Chính nguồn nước lợ tạo nên từ sự hòa trộn giữa nước biển và nước sông ở địa vực đặc thù đã làm cho tôm cá ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có cái phong vị đặc biệt.
Khuya dần xuống, trăng vẫn sáng vằng vặc. Anh Ty kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về quyết định gắn bó một đời với vùng phá này, những kinh nghiệm chinh phục, đánh bắt, nuôi trồng cá tôm để cuộc sống thêm khấm khá. Những con cá, con tôm nhỏ đã nuôi sống mấy đời gia đình. Anh bảo: “Con cá ngon bị săn lùng miết rồi sẽ cạn kiệt. Dân mình xưa nay cứ quen lưới chài, có ai nghĩ đến chuyện đi nuôi con cá hoang ngoài phá. Rứa mà chừ nuôi được”. Nếu đi xuồng máy một vòng quanh phá dù đêm hay ngày, sẽ thấy hiện ra trước mắt cả “rừng” ô lồng cá mú, vẩu... vuông vắn hướng về phía cửa biển Tư Hiền. Mỗi gia đình ở đây đều nuôi từ năm đến mười lồng cá. Khi người dân xã Vinh Hiền chưa lên bờ xây làng tái định cư cách đây vài năm, gia đình nào cũng chen chúc nhau, sống chung dưới một mui thuyền. Chuyện ăn uống, sinh hoạt cũng ở trên thuyền cả.
Trời tờ mờ sáng là thời điểm các con thuyền trên phá bắt đầu nổ máy đi thu hoạch. Mùa này sáng sớm lạnh se sắt, sương giăng bốn bề mịt mù như khói tỏa. Vậy mà người ngư dân vẫn thoăn thoắt di chuyển bằng chân đất trên những chiếc cọc quanh lưới giăng sẵn để thu cá về thuyền. Nào cá dìa, ong, mú, hồng, tho… vảy ánh bạc lấp lánh nhảy tanh tách trong mẻ lưới đầy. Người dân ở đây nói rằng, cứ xem lịch, nhìn dòng nước thì biết cá có mắc lưới nhiều không.
Có một cái chợ con ngay sát đầm phá họp từ lúc trời chưa sáng hẳn. Dưới ánh đèn nhấp nháy, tiếng người lao xao mua bán. Cá tôm tươi ngon vừa bắt được đem đổ buôn ngay tại chợ. Ban ngày, chợ vắng hơn vì chẳng mấy người đến đây mua bán. Nhưng sau nửa đêm thì đồ ăn thức uống tràn ngập, từ phở Hà Nội, bún bò Huế, mì Quảng, cao lầu Hội An cho đến hủ tiếu Sài Gòn.
Đầm phá mênh mông này từng được biết đến như một vùng quê nghèo khó, tù đọng, thị trường tiêu thụ lại chỉ bó gọn, khép kín ở địa phương. Nhưng đó là chuyện ngày trước. Giờ đây chuyện con tôm, con cá của đầm phá vươn ra ngoài không còn lạ nữa. Dọc dài suốt một đoạn quốc lộ 1A từ Lăng Cô đến thành phố Huế, khắp chợ phố, chợ quê, khắp các nhà hàng, quán ăn ở Thừa Thiên - Huế đâu đâu cũng thấy cá tôm từ phá Tam Giang, xã Vinh Hiền.
Mặt trời bắt đầu lên cao ở phía xa. Trèo lên tháp Điều Ngự trên núi Túy Vân ngay sát cửa biển Tư Hiền có thể thu vào tầm mắt phong cảnh của phá Tam Giang. Chẳng biết có phải vì giữa mênh mông biển nước nên ánh mặt trời vàng như mật rót đều khắp nơi, phủ lên vùng đất này thứ tình cảm ngọt ngào trong từng giọng nói, từng gương mặt, nụ cười. Lần đầu lên thuyền đi phá, anh Ty đã cười khẳng định chắc nịch rằng: “Nơi này, lúc nào cũng lãng mạn như ri”. Xuồng máy chầm chậm dưới cầu Tư Hiền lúc bình minh, tin rằng bất cứ ai cũng phải cảm khái về cảnh sắc và con người nơi đây. Tất cả đều mang dư vị khó diễn tả thành lời.
Fonte do artigo: