Página inicial  > Không chỉ đam mê, còn phải kiên cường
 Không chỉ đam mê, còn phải kiên cường

Không chỉ đam mê, còn phải kiên cường

Không chỉ đam mê, còn phải kiên cường

Từ ống vắc-xin ra đời trên chiến trường

Vị giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực phát triển vắc-xin tiếp tôi ngay trong phòng làm việc. Rời màn hình máy tính, rời những chồng tài liệu ngất ngưởng vây quanh, bà nở nụ cười hiền hậu khi nghe tôi chúc mừng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vừa được Chủ tịch nước trao tặng cuối năm 2020. “Tôi làm tất cả vì đam mê, không phải để phấn đấu trở thành anh hùng” - bà nhỏ nhẹ.

Đúng là chỉ có thể dùng từ «đam mê» để lý giải cho quãng thời gian sáu năm lăn lộn giữa chiến trường Khu V (từ 1966 đến 1972) của cô sinh viên Y khoa chuyên ngành Vi sinh vừa rời mái trường đại học. Ba-lô nặng trĩu, cô gái trẻ cân nặng chưa tới 40 kg ròng rã hành quân hai tháng rưỡi vượt Trường Sơn, háo hức nhận công tác tại K15 thuộc Ban Dân y Khu V (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) để thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng  Y tế Phạm Ngọc Thạch trực tiếp giao phó, “phải sản xuất được ba loại vắc-xin gồm tả, thương hàn, đậu mùa ngay tại chiến trường để phòng tránh chiến tranh vi sinh”.

Xung phong “đi B” khi mới hết năm thứ ba, bà đã có thời gian học tập trung tại Trường cao đẳng Y tế, ăn ở trong căn nhà cấp bốn xập xệ mà cơn mưa đến là dột xối xả để có thể gói gọn chương trình đào tạo tiếp hai năm cuối để hoàn thành chương trình sáu năm của ngành y. Không chỉ trau dồi kiến thức về sản xuất vắc-xin, bà còn được trang bị kiến thức chuyên sâu về chẩn đoán các loại vi khuẩn, vi-rút. Hành trang mà bà nâng niu mang theo vào chiến trường là cuốn sổ con chi chít những dòng ghi chép tỉ mỉ, chi tiết lời thầy cô truyền dạy cùng các ống chủng giống ba loại bệnh kể trên.

Đứng trước cơ quan - vài ngôi nhà lá nằm tít trong rừng sâu, bà ngỡ ngàng nhận ra một thực tế khắc nghiệt. Phòng thí nghiệm không có, dụng cụ phục vụ nghiên cứu cũng chẳng có gì, dù là một chiếc ống pipette. Nhưng với nhiệt huyết tuổi trẻ, bà nhanh chóng cùng đồng đội vào rừng vác nứa dựng nhà. Phòng thí nghiệm căng dù trắng, bọc ni-lông cũng đã thành hình. Thiết bị từ miền bắc chuyển vào được gùi cõng trên lưng, cả đi và về mất tới 20 ngày. Tuy rất đơn giản, thô sơ với những chiếc tủ ấm nuôi cấy vi sinh chạy bằng đèn dầu hỏa, bà cùng số ít đồng nghiệp đã vượt mọi khó khăn để cho ra đời những ống vắc-xin được dán nhãn kiểm định chất lượng đầy đủ, cung cấp cho bà con thuộc vùng giáp ranh khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi.

Sau sáu năm bám trụ chiến trường, với cái đói triền miên cùng những cơn sốt rét nơi rừng sâu núi thẳm, những trận ném bom rải thảm cùng chất độc hóa học khiến cây khô trụi lá đã khiến sức khỏe bà sa sút trầm trọng. Ngày ra bắc điều trị, bà chỉ nặng có 31 kg.

Tới “cuốn sổ đỏ của bà già”

Rồi bà nằm trong nhóm năm thực tập sinh được du học tại CHDC Đức. Sau hai năm làm giàu vốn kiến thức về vi-rút ứng dụng, bà về nước. Để rồi tám năm sau, bà trở lại quốc gia Đông Âu này, với quyết tâm tự đặt ra là bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ. Trong quãng thời gian giữa hai chuyến xuất ngoại, bà có cơ hội hợp tác nghiên cứu khá nhiều với phía bạn. Những thử nghiệm được ghi chép chi tiết, cũng lại trong một cuốn sổ con con. Bà kể, “cứ lưu lại làm tài liệu về sau, chứ không nghĩ sẽ được quay lại nơi này”. Dịp cuối tuần, bà chọn đi thu hoạch trái cây để có thêm chút tiền gửi về gia đình trong thời bao cấp và trang trải thêm sinh hoạt phí. Và dù tiền nong cực kỳ eo hẹp, bà vẫn phóng tay mua chiếc TV cũ để nâng cao vốn ngoại ngữ nhằm giúp công việc hiệu quả hơn. Bảo vệ xuất sắc luận án năm 1986, sáu năm sau bà được phong hàm Phó Giáo sư và nhận hàm Giáo sư năm 1996.

“Ngày ấy tôi say mê nghiên cứu lắm, dù chồng là bộ đội thường xuyên đi xa, hai đứa con đều còn rất nhỏ. Là chị cả, lại đông em, tôi phải vượt qua rất nhiều thử thách để có thể toàn tâm toàn ý cho công việc phát triển vắc-xin, để gồng gánh hai vai cả gánh nặng gia đình lẫn công việc chuyên môn. Con cái ốm đau cũng đành trông cậy cả vào các em, giật mình nghe tin con sốt cao co giật mới cuống cuồng lao bổ từ cơ quan về nhà” - bà bồi hồi nhớ lại.

Có những chi tiết minh chứng cho chữ “kiên cường” mà bà nhấn mạnh, khi sinh con gái thứ hai với phần dạ con chi chít 12 khối u để rồi phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ ngay sau đó. Khi ám ảnh khôn nguôi về những ngày ăn sắn khoai nhiễm chất độc da cam nơi chiến trường luôn khiến bà rùng mình nghĩ tới viễn cảnh u ám về một đứa trẻ chào đời không lành lặn. “Có lẽ Trời thương, nên cả hai con tôi đều khỏe mạnh” - bà tâm sự.

Không chỉ có vậy, vào năm 2013, khi vừa xin được đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước cho vắc-xin viêm não Nhật Bản (VNNB) thế hệ 2, bà quyết định mổ cột sống do thoát vị đĩa đệm, dù tỷ lệ thành công chỉ 50%. Vừa phẫu thuật xong, bà đã chống gậy tập tễnh xuống tận Hòa Bình, Phú Thọ để giám sát thử nghiệm lâm sàng. Hiện tại, đôi chân thấp khớp nặng, cột sống thoát vị thêm mấy đốt phải đi cấy chỉ bốn đợt khiến việc di chuyển rất khó khăn vẫn không ngăn được nhà khoa học tuổi ngoài bát thập ngày ngày cần mẫn tới văn phòng, ngày ngày truyền thụ cho thế hệ kế cận những kiến thức vô giá cả đời gom nhặt. Có điều gì chưa hiểu, có vấn đề cần tham khảo, những đồng nghiệp trẻ lại chạy sang “mượn cuốn sổ đỏ của bà già”, như một cẩm nang hữu hiệu. Dù đã chính thức nghỉ hưu ở tuổi 70, nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ từ đó vẫn khiến bà trở thành điểm tựa khoa học vững chãi đầy tin cậy cho những nhà nghiên cứu trẻ sau này. Họ trìu mến gọi bà là “bà già”, họ coi bà như người mẹ hiền, nghiêm khắc trong công việc nhưng sở hữu một trái tim nhân hậu và tràn ngập tình yêu thương.

15 năm và vắc-xin hiệu quả tới 99,6%

Món quà quý giá mà nữ khoa học gia dâng tặng cuộc đời chính là vắc-xin VNNB, thành tựu giúp thay đổi số phận của hàng chục triệu trẻ em Việt Nam. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ của Viện Biken (Trường đại học Osaka, Nhật Bản), bà đã dày công nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất vắc-xin VNNB (thế hệ 1) bất hoạt sản xuất từ não chuột thành công.

Vào thời điểm cuối những năm 1980, số lượng trẻ mắc VNNB tăng cao (chiếm tỷ lệ 70 tới 75% số ca viêm não do vi-rút). Đây là căn bệnh để lại di chứng thần kinh rất nặng nề cho những bệnh nhân còn sống và trở thành gánh nặng suốt đời mà gia đình và xã hội phải mang vác. Việt Nam vốn là môi trường lý tưởng cho mầm bệnh phát triển (khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao, diện tích trồng lúa nước lớn...) nên rất khó thanh toán triệt để, nếu không có vắc-xin.

Là một trong hai chuyên gia được cử sang Nhật Bản nhận chuyển giao công nghệ, nhận thấy chỉ căn cứ vào cuốn tài liệu mà phía bạn cung cấp thì không thể hình thành quy trình sản xuất, bà ghi chép tỉ mỉ mọi lời nói, mọi thông tin mà vị chuyên gia đưa ra trong suốt chuyến đi. Cộng thêm khối lượng kiến thức khá lớn gom góp sau nhiều năm nghiên cứu và học hỏi nghiêm túc về chuyên ngành vi sinh, vi-rút, ba tuần công tác mà phía bạn nghĩ chỉ dừng lại ở việc “cưỡi ngựa xem hoa” đã giúp nữ khoa học gia đặt viên gạch vững chắc ban đầu. Để rồi sau đó cho ra đời loại vắc-xin rất an toàn, với giá thành thấp đến mức ngạc nhiên (chỉ 7.000 đồng/hai liều trẻ em khi đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng năm 1997).

Thông tin Nhật Bản đưa ra vào năm 2005, rằng một phần triệu trẻ em sau khi tiêm vắc-xin VNNB thế hệ 1 có mắc căn bệnh viêm não tủy rải rác cấp tính. WHO, ngay sau đó đã yêu cầu Nhật Bản ngưng sản xuất loại vắc-xin có nguồn gốc từ mô thần kinh này. Nhận thấy sự cấp thiết cần sớm cho ra đời vắc-xin VNNB (thế hệ 2) bất hoạt sản xuất trên tế bào vero (Jecevax), bà bắt tay vào mày mò nghiên cứu từ năm 2006, để rồi sau 15 năm bền bỉ trải qua bốn giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người thành công, đạt tính an toàn và dung nạp tốt trên người lớn, trẻ em với đáp ứng kháng thể đạt 99,6%. Thành công trong nghiên cứu của bà cũng đã giúp Việt Nam trở thành cái tên thứ tư trên thế giới sở hữu công nghệ mới mẻ này. Trong năm mới 2021 này, nữ tác giả hy vọng sẽ được Bộ Y tế cấp phép sản xuất vắc-xin thương phẩm chất lượng cao để phục vụ cộng đồng.

Nhìn lại chặng đường 55 năm đã đi qua, nữ giáo sư tự hào nhắc tới “thế hệ vàng trong y học” mà bà là một mảnh ghép nhỏ. Một thế hệ những người lính áo trắng đầy lý tưởng cống hiến và sẵn sàng hy sinh quên mình. Một thế hệ có thể khóc vì không hoàn thành nhiệm vụ, để rồi lau nước mắt tự động viên mình ngày mai phải khác. Để xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của những bạn bè cùng trang lứa trên chiến trường, bà bảo mình đã sống trung thực, trong sạch và hết lòng vì khoa học, vì sức khỏe cộng đồng. Thanh thản đi tới chặng cuối hành trình sản xuất vắc-xin, khi vừa đón tuổi 81, bà thật sự là một chiến binh quả cảm!

 GS Huỳnh Thị Phương Liên (giữa) trong thời gian du học tại CHDC Đức.

GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Huỳnh Thị Phương Liên sinh năm 1940. Bà đã nghiên cứu thực hiện 12 đề tài cấp Bộ và cấp Nhà nước. Nguyên là Giám đốc xưởng sản xuất vắc-xin VNNB, Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ của Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế.

Huân chương Lao động hạng ba (năm 2000) và hạng nhì (năm 2005); Huân chương Kháng chiến hạng ba (năm 1983), Giải thưởng Kovalevskaia (năm 1999), Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ... là những phần thưởng cao quý khác mà bà từng được ghi nhận, cho những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Fonte do artigo: